Hồ tiêu Việt Nam “ghi danh” trên bản đồ thế giới.
06/11/2021 353Giữ vững vị trí là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới, hồ tiêu Việt Nam với chất lượng bảo đảm, đáp ứng được yêu cầu của phía đối tác, ngày càng khẳng định được vị trí trên bản đồ thế giới.
Bước chuyển quan trọng
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu uy tín tại Đắk Lắk, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 tháng 9 cho biết, so với 10 năm trước, chất lượng hồ tiêu của Việt Nam đã được cải tiến nhiều. Không chỉ sản xuất tiêu đen, đến nay, doanh nghiệp còn sản xuất ra sản phẩm tiêu xanh, đỏ, trắng, tiêu ngâm dấm… rất phong phú. Đây cũng là nguyên nhân hồ tiêu Việt Nam chinh phục được nhiều thị trường.
Trong số các loại gia vị của Việt Nam thì hồ tiêu đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao. Việt Nam hiện vươn lên là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với 40% sản lượng, xuất khẩu sang 110 quốc gia. Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu nhưng xuất khẩu hồ tiêu vẫn ổn định, sản lượng đạt 285.000 tấn, giá tăng dần.
Ông Lê Đức Huy cho biết: “Ngành hồ tiêu đang nỗ lực tìm hướng phát triển bền vững bằng cách khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ. Nguồn cung dồi dào, chất lượng khiến Việt Nam còn là địa điểm lý tưởng để cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mở nhà máy chế biến sâu gia vị, trong đó có hồ tiêu. Thực tế, đã có doanh nghiệp nước ngoài thực hiện được việc này, hiệu quả đạt được rất tốt, vừa nâng cao giá trị cho doanh nghiệp, vừa nâng cao vị thế thương hiệu hồ tiêu Việt Nam”.
Cùng với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 tháng 9, ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tác động của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến xuất khẩu hạt tiêu giảm mạnh trong tháng 8/2021. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 8/2021 đã đạt 3.736 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất của hạt tiêu xuất khẩu từ tháng 1/2018. Mức giá này đã tăng 3,4% so với tháng 7/2021 và tăng mạnh 49,4% so với tháng 8 năm ngoái.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.321 USD/tấn, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2020. Giá hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh đã đóng góp rất lớn vào mức tăng chung của toàn ngành hạt tiêu Việt Nam. Đây được coi là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản khác giảm.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, Việt Nam đang trở thành nguồn cung gia vị và hương liệu quan trọng cho thị trường thế giới, trong đó có hồ tiêu. Các doanh nghiệp xuất khẩu đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của đối tác nước ngoài, có khả năng cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới.
Tập trung chế biến sâu
Dù đã định danh trên bản đồ hồ tiêu thế giới, song nhìn chung, giống như nhiều mặt hàng nông sản khác, hồ tiêu Việt Nam hiện nay đang chủ yếu xuất thô, hàm lượng chế biến chưa cao. Ông Bùi Trung Thương, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho hay, Ấn Độ là quốc gia sản xuất, xuất khẩu gia vị và hương liệu lớn của thế giới. Tổng sản lượng gia vị của quốc gia này lên đến 3 triệu tấn/năm, xuất khẩu luôn đứng vào hàng tỷ USD. Tại Ấn Độ, gia vị không chỉ sử dụng làm thức ăn mà còn phục vụ cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ sức khoẻ.
Dù xuất khẩu số lượng lớn gia vị và hương liệu nhưng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Ấn Độ hằng năm không hề nhỏ. Năm 2020, Ấn Độ nhập khẩu 1,4 tỷ USD nguyên liệu về chế biến để xuất khẩu, trong đó nhiều nhất là hồ tiêu. Việt Nam là một trong những nhà cung cấp hồ tiêu có ưu thế tại thị trường này, song chúng ta hầu hết xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị không cao.
Với kinh nghiệm nhiều năm tìm nguồn hàng từ Việt Nam cung cấp cho thị trường EU, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V Hà Lan cũng cho hay, bên cạnh số ít doanh nghiệp tham gia vào chế biến sâu mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu, nhìn chung, hồ tiêu Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô sang các nước lớn để gia công lại và mang thương hiệu của các tập đoàn, doanh nghiệp EU. Dưới vai trò là một doanh nghiệp xuất khẩu, công ty đang làm một thương hiệu riêng cho Việt Nam để phân phối hàng hoá Việt Nam nói chung, hồ tiêu Việt Nam sang EU và cung cấp cho các siêu thị, nhà bán lẻ. Khi đó, giá trị của hồ tiêu Việt Nam sẽ tăng lên một bậc.
“Các nhà nhập khẩu gia vị tại EU luôn yêu cầu chất lượng cao. Người tiêu dùng EU coi trọng lối sống lành mạnh, đặc biệt chuộng mặt hàng hữu cơ. Do đó, để xuất khẩu hồ tiêu chiếm lĩnh thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc điều này trong định hướng sản xuất sản phẩm”, ông Phạm Văn Hiển khuyến cáo.
Bên cạnh đó, mỗi nước trong khối EU có giá cả và khẩu vị khác nhau. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường. Những doanh nghiệp chưa đủ lớn, chưa có phòng nghiên cứu thị trường có thể thông qua các kênh online, đối tác có sẵn, hội chợ tổ chức ở EU… để quảng bá sản phẩm, thăm dò thị trường. Về bao bì, cần thiết kế hợp văn hoá và thói quen tiêu dùng tại địa phương.
Nhấn mạnh vào việc tăng cường hợp tác, áp dụng khoa học công nghệ vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, ông Bùi Trung Thướng cũng cho rằng, đó là mấu chốt vấn đề để hồ tiêu của Việt Nam gia tăng giá trị. Phát triển chuỗi giá trị không nhất thiết tham gia cả chu trình hoàn hảo từ sản xuất đến tiêu dùng mà tập trung vào các khâu lợi thế. Lĩnh vực hạn chế có thể kêu gọi hợp tác quốc tế, sau đó phát triển và làm chủ công nghệ.