Tỷ USD lại về:‘ Vàng đen’ Việt Nam một thời hoàng kim mới
06/11/2021 327Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, kéo giá nguyên liệu trong nước tăng gần gấp đôi. Theo chuyên gia, mặt hàng “vàng đen” sẽ quay trở lại thời kỳ hoàng kim, còn năm 2021 chắc chắn lấy lại được vị thế ngành hàng tỷ USD.
Giá vọt lên đỉnh, hồ tiêu lấy lại vị thế tỷ USD
Sau một thời gian dài chìm sâu dưới đáy, thời gian này, hồ tiêu xuất khẩu tăng giá dựng đứng. Đỉnh điểm, tháng 10 vừa qua, giá xuất khẩu mặt hàng được ví như “vàng đen” này của Việt Nam lên tới 4.500 USD/tấn đối với tiêu đen loại 550 g/l, giá tiêu trắng tăng lên mức 6.290 USD/tấn.
Báo cáo từ Bộ NN-PTNT cho thấy, giá tiêu xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021 cũng tăng tới 71,3%, đạt 3.434,2 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất từ năm 2018 tới nay. Thế nên, dù khối lượng xuất khẩu hồ tiêu chỉ đạt 783 nghìn tấn, giảm 5,7% nhưng giá trị vẫn tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cho hay, lượng tiêu xuất khẩu tuy giảm mạnh, có doanh nghiệp lượng xuất khẩu giảm tới gần 20%, nhưng doanh thu lại cao hơn từ 30-70% so với cùng kỳ năm 2020.
Hạt tiêu Việt Nam đang có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 60% sản lượng tiêu trên toàn thế giới. Đáng chú ý, thay vì chỉ xuất khẩu tiêu thô, thời gian này các sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm giấm…
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), giá tiêu xuất khẩu tăng dựng đứng kéo giá tiêu tại thị trường nội địa tăng gần gấp đôi.
Cụ thể, tháng 1/2021, giá tiêu thô được thu mua ở mức 50.000 đồng/kg, thì đến giữa tháng 10/2021 đã vượt mốc 90.000 đồng/kg, có thời điểm còn đạt ngưỡng 100.000 đồng/kg. Còn riêng trong 10/2021, giá tiêu tăng trung bình 8.000-9.000 đồng/kg.
Những ngày đầu tháng 11 này, dù có phần hạ nhiệt song tại các thủ phủ hồ tiêu như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai,… vẫn dao động ở mức 86.500-89.000 đồng/kg.
Dựa vào tín hiệu tích cực từ thị trường, cơ quan chức năng dự báo hai tháng còn lại của năm nay, lượng tiêu xuất khẩu có thể đạt 40.000-45.000 tấn. Cùng với đà tăng giá trên thị trường thế giới, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu có thể cán mốc 1 tỷ USD năm 2021.
Trở lại thời kỳ hoàng kim
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, do sản lượng hồ tiêu của Việt Nam và các nước giảm mạnh vì biến đổi khí hậu và nhu cầu tăng cao phục vụ dịp lễ Tết cuối năm nên giá tiêu sẽ tiếp đà tăng. Khi đó, lượng tiêu tồn đọng từ 2-3 năm trước sẽ được giải phóng hết.
Với đà phục hồi mạnh như hiện nay, các chuyên gia cho rằng hồ tiêu của Việt Nam sẽ quay trở lại thời kỳ hoàng kim.
Chia sẻ về mặt hàng hồ tiêu tại một hội nghị về sản phẩm gia vị và hương liệu mới đây, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, ngành sản xuất gia vị và hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung gia vị và hương liệu quan trọng cho thị trường thế giới.
Trong số các gia vị của Việt Nam, hạt tiêu là loại gia vị rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Hiện nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu và nhiều loại gia vị, hương liệu khác của thế giới đang tăng khi một số nguồn cung giảm. Đây là cơ hội cho hồ tiêu Việt Nam chớp thời cơ, tăng giá trị xuất khẩu, ông nhấn mạnh.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nhận định, cuối năm 2021 và các năm tiếp theo, giá tiêu sẽ tốt dần lên và khả năng đến cuối năm giá sẽ đạt 100.000 đồng/kg.
Theo ông, giá tiêu tăng trở lại cũng là theo quy luật của thị trường. Sản lượng giảm mà cầu tăng thì ắt giá tiêu sẽ tăng. Nếu thị trường tiếp tục diễn biến tốt, nhiều hộ sẽ quay lại với cây tiêu. Những hộ đang còn tiêu thì sẽ quan tâm vực dậy vườn tiêu
Tuy nhiên, để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, tránh đi vào “vết xe đổ”, cần phải thay đổi tư duy, trồng tiêu theo hướng hữu cơ, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Thương hiệu hạt tiêu Việt Nam cũng cần được chú trọng.
Ngoài ra, ông Bình cho rằng, các bộ ngành và các cơ quan liên quan cần có thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về diện tích sản xuất của Việt Nam và thế giới; thông tin chính thống về các khâu chế biến lưu thông tiêu thụ để ngành tiêu có chiến lược phát triển phù hợp.